Nhiều người thấy thế giới kinh doanh như một nơi tàn khốc, “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng một dữ liệu gần đây cho thấy những công ty tốt nhất thường là những công ty biết đồng cảm nhất.
Theo một báo cáo về “Chỉ số đồng cảm” (Empathy Index 2016), 10 doanh nghiệp hàng đầu trong danh sách này vượt trội hơn 10 doanh nghiệp xếp cuối đến 50% (xét về khả năng tạo môi trường phát triển cho đội ngũ nhân sự đa dạng, khả năng giữ chân nhân sự giỏi và thành quả tài chính).
Các nhà sáng lập thường xây dựng doanh nghiệp của họ từ một nhu cầu cá nhân để thể hiện thái độ của họ đối với hiện trạng của những ngành mà họ tham gia. Phát triển một công ty từ đam mê hoặc nhu cầu cá nhân là động lực cho người khởi nghiệp tạo nên các sản phẩm chất lượng cao, bằng cách ưu tiên sự trung thực và minh bạch – chứ không chỉ vì lợi nhuận và sự sống còn.
Sự đồng cảm không chỉ là một khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đó cũng là cách kinh doanh khôn ngoan. Khi bạn xây dựng sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của chính bạn, bạn đồng thời hiểu được nhu cầu của thị trường, giải quyết những thách thức mà đối tượng mục tiêu của bạn đang gặp phải.
Và sau đây là cách tiếp cận với sự đồng cảm để có thể phát triển những sản phẩm tập trung vào lợi ích của khách hàng và thành công:
Giải quyết những vấn đề của chính mình
Tìm kiếm cơ hội trong những ngành mà sự cung ứng hiện chưa đủ và bị kiểm soát bởi các công ty “độc quyền” với dịch vụ nghèo nàn. Hãy tìm hiểu sâu xem bạn bè và người thân của bạn có cùng chia sẻ những phàn nàn của bạn hay không. Sau đó, bắt đầu hình thành sản phẩm thay thế.
Joe Gebbia và Brian Chesky đã xây dựng công ty trị giá 30 tỉ USD từ mong muốn giải quyết một nhu cầu của chính họ. Sau khi cho thuê một phần căn hộ của mình, họ nhận ra rằng không chỉ có họ muốn kiếm tiền theo cách này. Họ phát triển ý tưởng và kết quả là Airbnb đã trở thành một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của Silicon Valley.
Uber, một biểu tượng khởi nghiệp thành công khác cũng bắt đầu theo cách tương tự. Sau khi Travis Kalanick và Garrett Camp không thể gọi taxi vào một buổi tối có tuyết rơi ở Paris, họ nảy ra ý tưởng tạo một ứng dụng giúp đặt một chuyến xe chỉ bằng một nút chạm. Khi Uber ra đời tại San Francisco vào năm 2009, nó là một giải pháp rất cần thiết cho hệ thống giao thông của thành phố này.
Hãy chắc chắn rằng bạn (và đội ngũ của mình) biết rõ lý do tạo nên sản phẩm
Trước khi đi sâu vào phát triển sản phẩm, hãy tự hỏi: Vì sao lại là sản phẩm này? Vì sao là ngành này? Nếu bạn đơn thuần được thôi thúc bởi lợi nhuận và cảm thấy không có nhiệt huyết cho điều mà bạn đang sáng tạo, nên dừng lại và tìm điều gì đó thổi bùng lên đam mê của bạn. Bạn không thể hiểu và “chạm” được khách hàng nếu không quan tâm sâu sắc đến những vấn đề mà sản phẩm của bạn sẽ giúp họ giải quyết.
Lấy ví dụ của Jan Koum. Anh khởi đầu WhatsApp như một công cụ để cập nhật trạng thái từ điện thoại và đầu tiên anh muốn thu phí của người dùng. Nhưng khi anh nghe được tâm sự của một nữ sinh viên đã phát khóc hằng đêm vì không có tiền gọi điện thoại cho gia đình đang ở xa, sứ mệnh thực sự cho sản phẩm đến với anh: Làm cho nó đơn giản, rẻ tiền để mọi người có thể giao tiếp ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Cũng vì sự chuyển đổi về “lý do” này đã dẫn đến quyết định bán WhatsApp cho Facebook với giá 19 tỉ USD vào năm 2014 – như thế, tầm nhìn sứ mệnh của người sáng lập có thể trở thành hiện thực một cách trọn vẹn.
Sản phẩm, tiếp thị và xây dựng thương hiệu nên luôn phản ánh sứ mệnh nền tảng của bạn. Như Simon Sinek – nhà tư vấn tiếp thị, diễn giả người Mỹ nói, mọi người không mua cái mà bạn làm ra, họ mua lý do vì sao bạn tạo ra nó.
Không chỉ bán hàng – hãy truyền thụ cho khách hàng
Mọi ngành đều có những khu vực nhất định mà với người tiêu dùng nói chung sẽ là khó hiểu, khó lĩnh hội. Suy nghĩ về những khía cạnh thách thức nhất trong lĩnh vực của bạn và dùng sự thấu hiểu của bạn để truyền đạt cho khách hàng. Họ sẽ đánh giá cao và có khả năng mua sản phẩm của bạn nhiều hơn vì giá trị cộng thêm này.
Con người là những cỗ máy sáng tạo. Chúng ta liên tục tiến hóa để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn và tốt đẹp hơn. Công nghệ ngày nay giúp cho các nhà khởi nghiệp nhảy vọt qua những rào cản quá khứ và tiếp cận số lượng người tiêu dùng lớn chưa từng có. Nhưng, nên nhớ, bạn không thể đánh mất sự cảm thông với khách hàng của bạn khi sử dụng các công cụ này để chinh phục những thị trường mới.