Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Tiếp thị quản trị » Marketing bằng tư duy lãnh đạo

Marketing bằng tư duy lãnh đạo

Chuyện marketing đồng nghĩa với việc đặt vài bảng quảng cáo rồi thuê copywriter để viết những lời “có cánh” cho thương hiệu đã trôi vào dĩ vãng. Trong thời đại công nghệ thông tin, người tiêu dùng có xu hướng hoài nghi nhiều hơn với các thông điệp tự quảng cáo của doanh nghiệp, và do vậy quảng cáo truyền thông không còn tác dụng nữa.

Đó là lý do vì sao nhiều doanh nhân bắt đầu hứng thú với chiến lược marketing thông qua việc xây dựng vị thế “lãnh đạo về tư duy” (thought marketing). Đây không chỉ đơn giản là một xu hướng marketing mà còn là triết lý về lý do tồn tại của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất trong chiến lược này là doanh nhân có thể cung cấp cho khách hàng những giá trị của công ty mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự “tự khoe khoang”.

Danielle Sabrina, chuyên gia trong lĩnh vực marketing bằng tư duy lãnh đạo đã chia sẻ với tờ Entrepreneur về 5 điều các doanh nhân nên và không nên làm nếu muốn áp dụng chiến lược này vào kế hoạch marketing của công ty. Đó là:

1. Hãy thể hiện, đừng nói

Điều quan trọng nhất của tư duy lãnh đạo là chứng minh được chuyên môn của bạn. Những danh hiệu, giải thưởng bạn đạt được có thể sẽ tạo vài ấn tượng cho khách hàng, song điều quan trọng hơn là phải cho thấy bạn đã đạt được những danh hiệu đó như thế nào.

Ví dụ, nếu là chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trên Facebook, đừng chỉ nói về việc bạn hiểu cách quảng cáo trên Facebook như thế nào, hãy viết những bài phân tích sâu những vấn đề cụ thể đang hiển hiện trong thế giới quảng cáo Facebook.

Điều này không chỉ làm cho người đọc hứng thú với những gì họ nhận được từ bài viết của bạn, mà còn khiến họ tin bạn đúng là chuyên gia thông qua những kiến thức chuyên ngành rất cụ thể và hữu ích mà bạn chia sẻ.

2. Cung cấp, đừng quảng bá

Bất kể bạn tiêu tốn bao nhiêu vào các chiến dịch quảng cáo thì cũng đừng bao giờ đánh giá thấp năng lực tiếp nhận của khách hàng đại chúng. Vì họ có thể nhận diện được các thủ thuật quảng cáo vô cùng nhanh nhạy. Đây là lý do vì sao bạn nên tập trung vào việc trở thành một nguồn thông tin có giá trị và đáng tin cậy cho những khách hàng tiềm năng.

Email, kênh mạng xã hội hay trang blog của bạn nên có những kiến thức cụ thể, hữu ích, dễ áp dụng cho bất cứ ai hứng thú đến lĩnh vực bạn đang hoạt động. Điều này sẽ khuyến khích khách hàng quay trở lại trang của bạn, tìm kiếm các thông tin bạn cung cấp và đăng ký để được vào danh sách nhận tin qua email từ bạn.

3. Đi sâu, đừng đi rộng

Phân tích sâu là chìa khóa cốt lõi cho chiến lược marketing này. Trở thành một lãnh đạo về tư tưởng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải am hiểu hết mọi khía cạnh trong lĩnh vực bạn đang hoạt động. Điều cần làm là chọn một ngách rõ nét trong lĩnh vực kinh doanh mà bạn am hiểu và có nhiều kinh nghiệm nhất, sau đó tập trung khai thác, phát triển mạnh kiến thức của bản thân về mảng này.

Một bài viết chi tiết, nhiều thông tin, phân tích sâu về một khía cạnh cụ thể của quảng cáo trên Facebook sẽ có giá trị gấp 10 lần một bài viết chung chung chia sẻ về lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

Thay vì tập trung vào sản xuất hàng loạt các bài viết “nông” để duy trì dòng thông tin liên tục với khách hàng, hãy chuyển hướng sang việc cung cấp những bài viết sâu sắc về một vấn đề cụ thể nào đó trên thị trường. Các bài viết sâu sẽ làm tăng lượt thăm trang của bạn và tạo ra sự khác biệt lớn cho nội dung marketing của bạn so với các thông tin nhạt nhòa đồng dạng khác trên thị trường.

4. Phân tích, đừng phỏng đoán

Bạn có thể nghĩ rằng bạn biết người đọc cần thông tin gì, tuy nhiên thực tế sẽ làm bạn hoàn toàn bất ngờ. Thông thường, khi bắt đầu viết bạn sẽ có xu hướng bỏ rơi những gì khách hàng cần và dần chuyển sang viết như đang chia sẻ với các chuyên gia trong ngành. Vì vậy, cần tập trung vào khách hàng của bạn.

Đừng phỏng đoán họ đang nghĩ gì mà hãy ghi chú những gì họ đang bàn tán trên mạng xã hội, những câu hỏi họ đặt ra cho công ty của bạn, phỏng vấn trực tiếp để biết họ đang muốn những thông tin như thế nào. Bên cạnh có thêm ý tưởng cho các bài viết tiếp theo trên trang mạng xã hội của doanh nghiệp, hành động này cũng chứng minh được rằng bạn rất trân trọng và quan tâm đến ý kiến của khách hàng.

5. Tạo ra đối thoại, đừng độc thoại

Thực tế, bạn không phải là người duy nhất hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, bạn có thể chủ động kết nối các chuyên gia cùng lĩnh vực hoạt động. Đừng e dè việc chia sẻ quan điểm của họ nếu đó là những ý kiến có ích cho khách hàng của bạn. Cởi mở trong kết nối có thể mở ra cơ hội để bạn thu hút thêm nhiều khách hàng và đối tác tiềm năng. Điều này còn là minh chứng cho thấy bạn luôn cập nhật kịp thời xu hướng thông tin trong lĩnh vực chuyên môn.

“Marketing tư duy lãnh đạo không phải chỉ là bán sản phẩm, dịch vụ của bạn. Đó còn là nói cho thế giới biết công ty của bạn là uy tín nhất trong thị trường kinh doanh. Đây là chiến lược về việc chia sẻ giá trị chung và trở thành nguồn tin uy tín cho khách hàng”, Sabrina chia sẻ.

Khi mọi việc hoàn thành, chiến lược marketing này sẽ đưa bạn trở thành chuyên gia uy tín thực thụ với những khách hàng đặt trọn niềm tin vào bạn. Và sau cùng, niềm tin đi cùng tài chính. Chứng minh kỹ năng thôi chưa đủ, vì hiện tại khách hàng cần nhiều hơn nữa, và chia sẻ tầm nhìn lãnh đạo chính là một điều tốt bạn có thể mang đến cho khách hàng của mình.

Home
Kiến Thức
Training
Menu
×