Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Tiếp thị kỹ thuật số » Bí quyết giảm rủi ro khi sáng tạo

Bí quyết giảm rủi ro khi sáng tạo

Mặc dù việc thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo có thể đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN), nhưng tỷ lệ thất bại của các sản phẩm và công nghệ mới thường rất cao. 

Các nghiên cứu kinh tế cho thấy, chỉ khoảng 10 – 20% các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể đem lại lợi ích thương mại. Vì vậy, nhằm tăng khả năng thành công cho sản phẩm và công nghệ mới, DN có thể tích hợp, liên kết hoạt động R&D với các khâu khác trong chuỗi giá trị của DN, chẳng hạn như hai khâu sản xuất và marketing.

Thứ nhất, việc nhận ra nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là nhu cầu chưa được đáp ứng, có thể tạo ra nền tảng dẫn đến thành công của công nghệ và sản phẩm mới. Là bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng nên phòng marketing có thể cung cấp thông tin có giá trị về khách hàng và các phòng chức năng khác có thể khai thác. Hơn thế nữa, tích hợp R&D vào hoạt động marketing là rất quan trọng nếu một sản phẩm mới muốn được thương mại hóa thành công. Nếu không, DN có thể cho ra đời sản phẩm và công nghệ mới mà không có sẵn thị trường.

Thứ hai, liên kết hoạt động R&D với hoạt động sản xuất nhằm giúp DN đảm bảo sản phẩm được thiết kế với những yêu cầu sản xuất đã được phác họa. Thiết kế sản phẩm mới với các yếu tố về khả năng sản xuất đã được phác họa có thể giúp giảm chi phí sản xuất và khả năng mắc sai lầm, từ đó DN có thể giảm chi phí và tăng chất lượng sản phẩm.

Tích hợp khâu R&D vào hoạt động sản xuất có thể làm giảm chi phí phát triển sản phẩm và đẩy nhanh quá trình tung sản phẩm ra thị trường. Nếu sản phẩm không được thiết kế với sự tham khảo khả năng sản xuất sẵn có, DN có thể rất khó sản xuất trên nền tảng công nghệ hiện có, mà cần phải đầu tư thêm nguồn lực mới, hoặc sẽ phải thiết kế lại sản phẩm.

Do vậy, chi phí phát triển tổng thể và thời gian chuẩn bị để đưa sản phẩm ra thị trường sẽ tăng lên đáng kể. Thay đổi thiết kế sản phẩm trong suốt quá trình lập kế hoạch sản xuất có thể làm tăng chi phí phát triển sản phẩm lên 50% và tăng thời gian chuẩn bị giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường lên đến 25%.

Một trong những cách tốt nhất để đạt được sự tích hợp liên chức năng (các chức năng như R&D, marketing, nhân sự liên kết chặt chẽ và thông suốt với nhau) là thiết lập một đội hoặc nhóm phát triển sản phẩm liên chức năng, bao gồm đại diện từ khâu R&D, marketing và sản xuất. Mục tiêu của một đội hoặc nhóm như thế là nhằm đưa một dự án phát triển sản phẩm mới từ khâu phát triển ý tưởng ban đầu sang khâu giới thiệu sản phẩm.

Một ví dụ điển hình là sự liên kết chức năng trong thiết kế và giới thiệu sản phẩm tại Công ty Ô tô Ford. Tại đây, quá trình phát triển sản phẩm nhằm biến tầm nhìn của Ford trở thành những giá trị thực tế và biến những nhu cầu khác nhau của thị trường thành những khả năng công nghệ và kỹ thuật mới.

Một chiếc ô tô cá nhân cỡ trung bình cũng có hơn 20.000 cấu kiện riêng lẻ. Có ít nhất 73 nguyên liệu khác nhau được sử dụng trong một chiếc ô tô thông thường. Do vậy, quá trình thiết kế với việc tích hợp các yếu tố thị trường và yêu cầu kỹ thuật là rất quan trọng. Quá trình thiết kế và sản xuất một mẫu ô tô hiện đại tương đối phức tạp, bắt đầu với nguồn thông tin đầu vào gồm ba nhóm: thứ nhất là chiến lược và mục tiêu của Ford nhắm đến những kết quả hoàn hảo và dẫn đầu thị trường; thứ hai là nghiên cứu thị trường và thứ ba là giải pháp R&D về các đặc tính kỹ thuật cho rất nhiều yêu cầu khác nhau về môi trường, độ an toàn và tính năng sử dụng.

Để đạt được mục tiêu, hằng năm Ford đã chi ra hơn 4 tỷ USD cho hoạt động R&D. Quá trình phát triển sản phẩm cũng thay đổi bằng nhiều cách khác nhau. Ford đang tích hợp giải pháp toàn cầu cho hoạt động phát triển sản phẩm bằng cách tích hợp những tổ chức mua hàng và kỹ thuật, phân công trách nhiệm phát triển cho những phân khúc xe khác nhau như xe cỡ nhỏ, cỡ trung bình, cỡ lớn và sử dụng nguồn kỹ thuật từ khắp nơi trên thế giới.

Kết quả là Ford có thể tung ra các sản phẩm tập trung vào khách hàng với chi phí thấp và chất lượng tốt bằng cách loại bỏ những giải pháp kỹ thuật và mua hàng trùng lắp thông qua quá trình tích hợp các chức năng.

PHAN ĐÌNH MẠNH
 
 
Home
Kiến Thức
Training
Menu
×