Những công ty kinh doanh trên nền tảng dữ liệu lớn thường có khả năng tiếp cận rất khủng khiếp với các thông tin cá nhân của người dùng. Rất nhiều thông tin do chính bạn tự nguyện “dâng hiến”, nhưng cũng có không ít thông tin khác họ thu thập được về bạn thông qua những phương thức được cho là hợp pháp một cách đáng lo ngại.
Với Facebook, mạng xã hội vừa cán mốc 2 tỉ người dùng, người ta hoàn toàn hình dung được quy mô khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng khủng khiếp ra sao.
Thực tế, Facebook đang xây dựng những hồ sơ cá nhân rất phức tạp về bạn, thu thập hàng ngàn điểm dữ liệu, và thậm chí cũng đang mua lại những thông tin mà mạng xã hội này chưa biết về bạn từ các bên cung cấp khác.
Ngay cả khi bạn không là người dùng Facebook, mạng xã hội này vẫn có cách để có được một hồ sơ về bạn ở dạng profile chìm (shadow profile).
Bạn đã từng thấy những nút Like của Facebook và các nút “Sign-in with Facebook” trên các trang web khác chưa? Vâng, đó chính là cách mà Facebook đang dõi theo bạn ở khắp nơi trên thế giới mạng.
Chính sách về quyền riêng tư của Facebook cũng đã nói rất rõ đấy thôi:
“Chúng tôi thu thập thông tin khi bạn ghé thăm hay sử dụng các trang web bên thứ ba và các app có sử dụng các dịch vụ của chúng tôi (như khi họ cung cấp nút Like của chúng tôi hay nút Facebook Log In hoặc sử dụng công cụ đo lường cũng như dịch vụ quảng cáo của chúng tôi).
“Điều này bao gồm thông tin về các trang web và các app bạn ghé thăm, việc bạn sử dụng dịch vụ của chúng tôi trên các trang web và app đó, cũng như những thông tin mà nhà lập trình hay đơn vị phát hành app, website cung cấp cho bạn hoặc cho chúng tôi”.
Nhưng chưa hết, Facebook còn có khả năng theo dõi cả những nội dung đăng (post) hay bình luận (comment) mà bạn viết ra nhưng thậm chí còn chưa gửi đi.
Anh Watson viết: “Là người viết rất nhiều ứng dụng bằng ngôn ngữ lập trình JavaScript và gần như rất thích nó, tôi thấy buồn vì mặc dù tôi thừa nhận ngôn ngữ này có tính tương tác linh hoạt, tuy nhiên các công ty khai thác dữ liệu lớn và các nhà quảng cáo lại đang dùng nó làm vũ khí chống lại chúng ta”.
Cùng với việc Facebook thu thập thông tin về bạn, lại cũng có cả những thực thể khác mà dữ liệu của bạn sẽ bị Facebook chia sẻ với họ. Đó là những trò game và những trò trắc nghiệm vui vui vẫn thường yêu cầu bạn đăng nhập tài khoản Facebook để có thể tham gia thi thoảng xuất hiện mời chào.
Nhưng tới lúc này bạn có thể đặt câu hỏi: “Như thế thì sao chứ? Tôi vẫn biết là họ đang theo dõi mình mà. Nhưng Google và mọi trang web khác cũng làm như vậy thôi. Ai quan tâm chuyện đó chứ?”
Đó là sự thực. Tuy nhiên tất cả những dạng thức theo dõi kia cho tới thời điểm hiện tại có thể chưa gây ra những tác động trực tiếp, mang tính cá nhân theo một cách thức tồi tệ với bạn, ngoại trừ một số dạng thức quảng cáo quá lố. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận xu hướng này đang ngày càng trở nên đáng ngại hơn.
Thế nên nếu bạn quan tâm tới quyền riêng tư của bản thân và những người thân yêu của mình, có lẽ đã tới lúc bạn cần có những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ những điều quan trọng đó.
Facebook thao túng cảm xúc
Cùng với thời gian, con người đang ngày càng bị lôi cuốn một cách “mê man” vào những sự định giá xã hội trên mạng mà Facebook và các dịch vụ khác tạo ra cho chúng ta.
Anh Watson tự thú: “Trước khi tôi nhấp vào nút Delete trên tài khoản của mình, một trong những điều cuối cùng còn níu giữ tôi lại trên Facebook (sau khi đã dừng post và đọc các thông tin trên News Feed) chỉ là được kiểm tra các tin thông báo trên tài khoản của mình. Tôi từng khao khát một cách vô thức chút niềm vui nhỏ bé của một người khi thấy có nhiều người Like mình. Nhưng đó không phải là hạnh phúc thực sự. Đó là một chứng nghiện không lành mạnh”.
Facebook không chỉ dùng quyền lực của nó để thao túng cảm xúc chúng ta, nó còn tiến hành những thử nghiệm với cảm xúc người dùng mà không cho họ biết và đương nhiên cũng không cần được sự đồng ý của họ.
Năm 2012 Facebook từng làm việc với các nhà nghiên cứu của họ để tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn về việc thao túng cảm xúc của người dùng bằng các đề tài tung ra trên News Feed như báo Guardian của Anh từng phanh phui.
Thứ nữa, khi đọc News Feed, bạn thường mặc định cho rằng nó bao gồm các phần post của bạn bè trong mạng lưới của mình và được sắp xếp theo trật tự ngày tháng.
Nhưng trên thực tế nó lại là sự pha phách mệt mỏi giữa các nội dung post của bạn bè bạn và các thông tin quảng cáo, vốn được cung cấp theo một thuật toán và có tính chiến lược của Facebook để đạt mục tiêu thao túng quan trọng nhất của họ: duy trì sự tương tác của bạn với những khách hàng thực sự của Facebook là các nhà quảng cáo.
Ngày cả khi bạn biết rõ việc này, hoặc ít nhất cũng có một ý niệm mơ hồ về nó, bạn cũng cảm thấy thật khó làm được gì hơn.
Bởi lẽ, do những tác động chi phối cực lớn, dường như Facebook đang có một quyền lực “buộc chân” về cảm xúc không hề nhỏ với mỗi người. Chỉ nội ý nghĩ phải rời bỏ Facebook thôi cũng có thể đã khiến ai đó cảm thấy như họ phải chịu một tổn thất không dễ gì vượt qua.