Đã có không ít doanh nghiệp “đổ” hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho một chiến dịch (Campaign)… vài tháng. Nhân viên kinh doanh cũng thế, đi học SEO, làm SEO rồi học làm fanpages marketing và đủ các kiểu marketing online khác. Cuối cùng, hiệu quả đạt được là… một ẩn số, chưa được kiểm chứng.
Thành bại trông cả vào Marketers
Theo kinh nghiệm của nhiều người trong ngành, để một chiến dịch Digital Marketing (tiếp thị công nghệ số) thành công không chỉ dựa vào yếu tố kỹ thuật mà còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng và sự sáng tạo của các marketers (người làm công tác marketing).
Thực vậy, Digital Marketing không quá khó để thực hiện nếu nhìn về góc độ kỹ thuật. Chi phí cho mỗi chiến dịch không quá tốn kém, tùy vào ngân sách marketing của doanh nghiệp để chủ động hơn trong hoạt động marketing công nghệ số. Ngay cả nhân viên kinh doanh cũng có thể tranh thủ sử dụng công cụ này tùy vào ngân sách chi tiêu của cá nhân. Và cứ thế họ sử dụng tràn lan mà không hiểu tâm lý khách hàng cần gì, muốn gì từ thông tin hay thông điệp đưa ra. Họ vô hình chung tự canh tranh lẫn nhau một cách khốc liệt… Nghịch lý, người chiến thắng không phải họ mà là những nhà cung cấp dịch vụ Digital Marketing.
Các marekters chuyên nghiệp phải được đào tạo về kỹ năng Content Marketing (marketing nội dung) để làm một Viral Video hay Viral Stories được cộng đồng khách hàng mục tiêu đón nhận. Hiển nhiên, sức sáng tạo của các marketers phải được thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt. Để có được những kỹ năng trên, đòi hỏi các marketers phải có kinh nghiệm thực tiễn, hiểu được tâm lý khách hàng, văn phong lưu loát… Không ai dạy chúng ta điều này, các marketers phải tự mình học hỏi và rèn luyện.
Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp “đua nhau” tuyển dụng chuyên viên Digital Marketing với mức lương được đưa ra khá cao. Đáng chú ý, không chỉ những doanh nghiệp phân phối mà còn có cả các chủ đầu tư lớn. Điều họ quan tâm là ứng dụng triệt để công nghệ số (Digital) phục vụ cho công tác bán hàng mà doanh thu là thước đo cho sự thành công của các marketers.
Trước áp lực bán hàng, các marketers dần mất đi cảm hứng trong hoạt động sáng tạo, Họ thường đi ngược lại tôn chỉ tối thượng của marketers chân chính là lấy chất lượng sản phẩm làm trọng tâm cho hoạt động marketing. Họ bất chấp những chiêu trò gian dối nhằm phô trương quá đà chất lượng sản phẩm… miễn sao bán được hàng.
Cuối cùng vẫn là uy tín chủ đầu tư
Ngày nay, thông tin chào bán sản phẩm bất động sản nở rộ trên khắp các trang mạng rao vặt online lẫn các trang mạng xã hội. Ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh bất động sản ngày càng được nâng cao và phát triển rầm rộ hơn bao giờ hết từ xây dựng Fanpages bán hàng đến ứng dụng công nghệ tương tự Uber – có thể tạm gọi là Uber bất động sản. Khách hàng gần như choáng ngợp trước các thông tin về sản phẩm bất động sản.
Hiển nhiên, khách hàng ngày nay họ tinh ý hơn nhiều thập kỷ trước. Họ chọn mua sản phẩm vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trong đó uy tín và thương hiệu của chủ đầu tư là những yếu tố cốt lõi để chọn mua sản phẩm. Rất hiếm khách hàng chọn mua sản phẩm của nhà đầu tư “lạ”, ít thông tin chính thống trên thị trường thay vào đó là hàng loạt bài “PR” trên các trang mạng không chính thống, thiếu kiểm chứng với những lời mời “có cánh” những cam kết sáo rỗng… Nói như thế, không phải ứng dụng Digital Marketing là không tốt mà trong trường hợp này cần cân nhắc những yếu tố thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.
Để có một kế hoạch marketing thành công, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ khách hàng cần xem xét các yếu tố như: Vị trí thương hiệu doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh trên thị trường? Ưu và nhược điểm sản phẩm? Lên kế hoạch đào tạo, truyền cảm hứng cho chuyên viên marketing, chuyên viên bán hàng giúp họ nắm vững kiến thức sản phẩm nhằm tư vấn khách hàng tốt hơn. Công tác định hướng và kiểm soát thông tin của các chuyên viên marketing và chuyên viên bán hàng là một vấn đề mà rất hiếm doanh nghiệp kinh doanh địa ốc trên thị trường chú trọng. Chính yếu tố này, sẽ làm giảm đáng kể những “khủng hoảng truyền thông” của doanh nghiệp.
Ứng dụng Digital Marketing nhằm đưa thông tin sản phẩm đến tay khách hàng. Đó cũng là một công cụ truyền thông hiệu quả, giảm ngân sách marketing đáng kể. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp trong hoạt động truyền thông – marketing. Thương hiệu doanh nghiệp mới là vấn đề cốt lõi. Hầu hết, doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đều chú trọng đầu tư cho marketing bán hàng hơn đầu tư và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Đó là tư duy cũ mà theo lối nói của dân gian là “kinh doanh kiểu mì ăn liền”.
Một vấn đề khác nữa là, để bán được sản phẩm các chuyên viên tư vấn nên chú trọng vào làm “thương hiệu cá nhân” hơn là đăng hàng loạt những thông tin về sản phẩm theo kiểu “giật gân, tin hot” sẽ rất khó bán được sản phẩm nếu khách hàng không biết bạn là ai, với hàng loạt những lời hứa hay những cam kết… sáo rỗng, thiếu thực tế.